Chúa Nhật lễ Đức Mẹ Mân Côi

Thứ hai - 11/04/2022 00:29
Lời của Thánh Anphongsô “Mến Mẹ thiết tha hồn ta chắc rỗi” đã cho thấy vai trò cũng như vị thế rất quan trọng của Đức Maria đối với mỗi người chúng ta. Cả ba bài đọc trong thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, đều nói đến vai trò cũng như tầm quan trọng của Đức Maria trong công cuộc Nhập thể
Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38
CN XXVII TN DUC ME MAN COI 5Lời của Thánh Anphongsô “Mến Mẹ thiết tha hồn ta chắc rỗi” đã cho thấy vai trò cũng như vị thế rất quan trọng của Đức Maria đối với mỗi người chúng ta. Cả ba bài đọc trong thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, đều nói đến vai trò cũng như tầm quan trọng của Đức Maria trong công cuộc Nhập thể và Cứu thế của Chúa Giêsu Kitô được thể hiện qua lời thưa: “Xin Vâng”.

Trong Bài đọc I trích sách Công vụ Tông đồ, tác giả đã cho chúng ta biết: sau khi Chúa Giêsu về trời, Đức Maria đã cùng trở về nhà với các Tông đồ ở Giêrusalem. Tại nhà tiệc ly “tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu”. Sự kiện Đức Maria trong nhà Tiệc Ly cùng với cộng đoàn đang cầu nguyện xin tuôn đổ ơn Thánh Thần (x. Cv 1,14) cho thấy Mẹ đã tin và biết lắng nghe Lời Chúa cũng như thực thi những lời mà Đức Giêsu đã truyền dạy cho các Tông đồ. Đây chính là sự củng cố niềm tin cho các Tông đồ của Đức Maria. Lời cầu nguyện của Đức Maria có ý nghĩa đặc biệt trong cộng đoàn Kitô hữu, nó tạo điều kiện cho Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nài xin Người hành động trong lòng các môn đệ và trong thế giới. Có thể nói, Lễ Hễn Xuống chính là hoa trái do lời cầu nguyện liên lỉ của Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, lời cầu đó được Chúa Thánh Thần đặc cách chấp thuận vì nó tỏ bày tình yêu mẫu tử của Mẹ đối với các môn đệ của Chúa Giêsu.

Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô đã nhắc đến việc Con Một Thiên Chúa sinh ra bởi một phụ nữ. Ngài viết rằng: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Điều này cho thấy Đức Maria chính là mẹ của Chúa Giêsu, là người mở cung lòng ra cho Con Thiên Chúa nhập thể để rồi nhờ đó mà cả nhân loại được ơn làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là "Áp-ba, Cha ơi!", và được trở nên những người đồng thừa tự gia nghiệp với Chúa Kitô.

Trong Bài Tin Mừng, Thánh Luca đã tường thuật sự kiện Truyền Tin có một không hai trong lịch sử nhân loại. Thật vậy, trong toàn bộ Thánh Kinh, chỉ có Tin mừng theo thánh Luca (x. Lc 1,26-38) ghi lại biến cố truyền tin. Sứ thần Gabriel đến với một thiếu nữ đã đính hôn tên là Maria tại làng Nazaret để loan báo tin vui về việc hạ sinh Đấng Được Xức Dầu được đợi trông từ bao đời. Sứ thần loan tin cho thiếu nữ: “Này đây, bà sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, và bà sẽ đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Tin báo này làm Đức Maria ngỡ ngàng, vì Ngài đã quyết chí giữ đức khiết tịnh. Sứ thần đã giải thích về cách thức Thiên Chúa sẽ làm cho sự kiện mang thai lạ lùng xẩy ra: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể” (Lc 1,37). Mặc dù đã có lời trấn an của sứ thần, nhưng chắc chắn Đức Maria cũng hoảng hốt vì Mẹ không biết đến việc vợ chồng. Tuy nhiên, Đức Maria đã can đảm và suy phục thánh ý Chúa nên đã thưa với sứ thần: “Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền” (Lc 1,38). Đây là giờ phút hệ trọng của cuộc đời Đức Maria, giờ phút mà con người cảm thấy mình sẽ không bao giờ hiểu thấu được từ “như thế nào”. Nói lời “Xin vâng”, nghĩa là Mẹ đã chấp nhận đi vào một hành trình mới. Hành trình này có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng, ảnh hưởng đến cả danh dự cho chính bản thân Mẹ cũng như gia đình, dòng họ. Đáp tiếng “Xin vâng” có nghĩa là sẵn sàng nhận một cuộc “phiêu lưu mạo hiểm” mới, một cuốc sống mới, một hành trình mới. Mẹ đã từ bỏ một cuộc sống bình yên thường ngày của một cô gái thôn quê, để đi vào một hành trình nhiều biến đổi, nhiều thách đố, nhiều gian nan trong việc mang Con Chúa đến với nhân loại. Thái độ bối rối cũng nhanh chóng lùi xa để nhường chỗ cho một quyết định dứt khoát: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Chính lời thưa “Xin vâng” của Mẹ đã mở ra một hành trình mới, một sứ vụ vô cùng quan trọng để Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình giữa nhân loại.

Qua nội dung và ý nghĩa của các Bài đọc Kinh Thánh hôm nay, chúng ta đã có thể nhận ra rằng Đức Maria có vai trò rất quan trọng đối với mỗi tín hữu. Sở dĩ Giáo hội luôn đề cao, khuyến khích con cái mình siêng năng lần chuỗi Mân Côi để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ, noi gương những nhân đức của Đức Mẹ, và xin những ơn cần thiết từ Đức Mẹ, là bởi vì, Giáo Hội đã xác tín rằng Đức Mẹ Maria chính là Đấng cộng tác và có vai trò rất quan trọng trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Mẹ luôn có uy thế và thần lực trước Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Và để minh chứng cho niềm xác tín này, Giáo hội đã chính thức tuyên nhận rất nhiều những phép lạ đã từng xảy ra cho những cá nhân cũng như cho tập thể, tất cả đều là nhờ hiệu quả của lời kinh Mân Côi. Đó là cuộc chiến thắng quân Hồi Giáo tại vịnh biển Lépante vào ngày 07-10-1571. Và để tạ ơn Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Piô V đã thiết lập ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay.

Chính vì thế, chúng hãy vững tin rằng Mẹ Maria luôn sẵn lòng can thiệp để giúp đỡ chúng ta là con cái của Mẹ, mỗi khi chúng ta gặp phải những khó khăn và thử thách trong cuộc đời. Với phương thế mà Đức Mẹ muốn chúng ta sử dụng để đạt được những hiệu quả ấy, đó chính là việc lần chuỗi Mân Côi. Đúng như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Piô X đã nhắc bảo rằng: “- Nếu các con muốn cho gia đình được bình an, thì hãy lần hạt mỗi buổi tối”. Và Đức Thánh Cha Piô XI cũng đã khuyên nhủ: “- Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào mà chúng tôi không lần chuỗi”.

Ước gì trong tháng này Mân Côi và cả đời chúng ta, lời kinh Mân Côi thường xuyên được vang lên trên môi miệng từng người, trong từng gia đình, từng đoàn hội, từng xứ họ. Xin Mẹ cho chúng ta biết dùng tràng chuỗi Mân Côi để tỏ lòng yêu mến Mẹ, và nhất là khi biết rằng tràng chuỗi Mân Côi đã từng là khí giới và là thuẫn đỡ trong lịch sử Giáo Hội, thì chúng ta cũng biết siêng năng dùng khí giới và thuẫn đỡ này để chống lại ma quỉ, thắng vượt những yếu đuối bản thân, nhất là để nhờ Đức Mẹ đưa ta đến với Chúa  - Amen.
 

Tác giả: admin

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây